Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Kiên giang (10/9/1945 – 10/9/2024)
Lượt xem:
(Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Kiên giang (10/9/1945 – 10/9/2024), Xin giới thiệu đến bạn đọc một số trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Kiên Giang trong các thời kỳ kháng chiến)
——-
Ngày 10/9/1945 đánh dấu một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang, với sự kiện Đại đội Cộng hòa vệ binh tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) ra quân đánh trận đầu đã bức hàng và xóa sổ đồn lính Nhật đóng tại Doi Hà Tiên (khu vực Bến đò Giải Phóng 9, thành phố Rạch Giá ngày nay). Với sự kiện này, ngày 10/9/1945 đã được chọn và được công nhận là ngày thành lập và cũng là ngày truyền thống của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Kiên Giang.
Trải qua 74 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân tỉnh nhà, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, LLVT Kiên Giang vẫn luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (9/1945 – 4/1975), LLVT Kiên Giang đã chiến đấu và phối hợp chiến đấu trên 26.000 trận, tiêu diệt và làm tan rã trên 125.000 tên địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, tiêu biểu như các trận:
* Chiến thắng Cầu Quay (Ngày 05/02/1946) – Trận đầu thắng Pháp
Ngày 05/02/1946, khoảng 200 lính Pháp từ thị xã Rạch Giá hành quân lấn chiếm Minh Lương. Vào 8 giờ sáng, ngày 05/02/1946, chúng vừa tới Cầu Quay (phường An Hòa, thành phố Rạch Giá ngày nay) thì bị Đại đội Cộng hòa vệ binh tỉnh Rạch Giá (đơn vị tiền thân của LLVT Kiên Giang) dùng súng trường, súng lửa, phi tiêu… chặn đánh, buột phải dừng lại. Một tiểu đội của ta lợi dụng địa hình che khuất, vận động đánh bọc hậu, làm cho đội hình địch rối loạn buộc phải tháo chạy về thị xã Rạch Giá. Trong trận này, ta tiêu diệt 9 tên, bắt sống 02 tên, thu 07 súng trường và 02 tiểu liên tôm – xơn.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Beo, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh: “Chiến thắng Cầu Quay đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân Kiên Giang trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy hy sinh, gian khổ; hun đúc thêm niềm tin vào sức mạnh của lực lượng vũ trang tỉnh nhà và thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến vệ quốc; là một mô hình về cách đánh du kích, tạo tiền đề quan trọng để LLVT Kiên Giang tiếp tục lập nên những chiến công mới xuất sắc trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trường thành sau này”.
* Chiến thắng Xẻo Rô (Ngày 30/10/1959) – Tiêu diệt chi khu quân sự đầu tiên của địch ở miền Nam
Ngày 06/5/1959, Ngô Đình Diệm ra đạo luật phát xít (Luật 10/59), đẩy mạnh chính sách “tố cộng, diệt cộng”. Ở miền Nam cũng như tỉnh Rạch Giá, địch có thể bắn giết bất kỳ ai mà chúng cho là “Việt cộng”; nhiều cán bộ đảng viên, những người yêu chuộng hòa bình, mong muốn thống nhất đất nước bị bắt giam, tra tấn hoặc bị thủ tiêu. Ngày 07/7/1959, Ngô Đình Diệm ra thông điệp lập khu trù mật, tiếp tục thực hiện chính sách bình định, “tát nước bắt cá”, tách quần chúng ra khỏi cơ sở cách mạng. Với các chính sách lớn đó của địch, nhân dân Rạch Giá sống trong không khí ngột ngạt, phong trào cách mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) chuyển cách mạng miền Nam vào thế tiến công, Tỉnh ủy Rạch Giá chỉ đạo củng cố tổ chức, phát triển lực lượng và chủ trương đánh một số trận lớn, tạo thời cơ cho quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Tiểu đoàn Ngô Sở (đơn vị tiền thân của Tiểu đoàn 207 ngày nay) được giao nhiệm vụ đánh tiêu diệt Chi khu Kiên An (Chi khu Xẻo Rô). Đúng 0 giờ 05 phút ngày 30/10/1959, ta nổ súng tiến công, chỉ sau 15 phút chiến đấu ta đã hoàn toàn làm chủ chi khu; diệt trên 50 tên (trong đó có tên Quận trưởng Lâm Quang Quận), bắt sống 50 tên, thu 60 súng các loại, giải thoát 113 người bị địch bắt giam. Đây là trận tấn công của lực lượng vũ trang cách mạng tiêu diệt chi khu quân sự đầu tiên của địch ở miền Nam, là phát pháo báo hiệu “đêm trước” của cao trào toàn dân nổi dậy, diệt ác, phá kềm giành quyền làm chủ nông thôn ở tỉnh Rạch Giá nói riêng và miền Nam nói chung.
* Chiến thắng Kè Một (Ngày 20/7/1965)
Phát hiện Tiểu đoàn 207 trú quân tại rạch Kè Một (xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận), sáng 20/7/1965 địch dùng máy bay lên thẳng chở Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 ngụy từ Chương Thiện (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang ngày nay) đổ quân bao vây Tiểu đoàn 207. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Đông Trạch (Tiểu đoàn phó), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 207 đã kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa và dũng cảm đánh trả các đợt tấn công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên, bắn rơi 02 máy bay phản lực, bắn bị thương 04 chiếc khác, thu 50 súng, sau đó rút về căn cứ an toàn. Chiến thắng Kè Một là một đòn giáng trả mạnh mẽ vào âm mưu tìm diệt và bình định của địch ở miền Tây Nam bộ cũng như ở chiến trường tỉnh Rạch Giá; đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh nhà về trình độ tổ chức tác chiến.
* Chiến thắng Ba Hòn – Trận chiến 78 ngày đêm
Ngày 02/9/1969, địch sử dụng Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 21 bộ binh, 03 tiểu đoàn biệt động, 02 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, tiểu đoàn công binh, 03 đại đội bảo an cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại… bao vây Ba Hòn (gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Sóc). Lực lượng của ta ở Hòn Đất có khoảng 500 người, gồm: một bộ phận tiền phương Tỉnh đội Rạch Giá; Đại đội 3 của Tiểu đoàn 207; Đại đội Pháo 616; một bộ phận quân y Tỉnh đội; Đại đội địa phương quân huyện Châu Thành A; dân quân du kích xã Thổ Sơn; một phân đội biệt động thị xã Rạch Giá; một đơn vị ngoài Bắc mới chuyển vào và gần 100 người dân.
Qua 78 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, anh dũng, ta loại khỏi vòng chiến đấu 2.730 tên, diệt gọn 01 đại đội, 10 trung đội, 06 tiểu đội, đánh thiệt hại nặng Đại đội bảo an Chi khu Kiên Sơn, bắn hư hỏng và cháy 06 xe M113, bắn rơi 06 máy bay lên thẳng, phá hủy 02 khẩu pháo 105mm và 155mm; thu nhiều đạn dược và quân trang quân dụng; sau khi rút lui địch bỏ lại trên 30 tấn vũ khí, lương thực.
Ảnh tư liệu: Chiến đấu bảo vệ căn cứ Ba Hòn trong trận chiến 78 ngày đêm.
Ảnh tư liệu: Tiểu đoàn 207 hành quân truy kích địch tại xã Định Hòa, huyện Gò Quao năm 1974.