Tượng đài người Anh hùng Liệt sĩ trong thơ Việt Nam hiện đại
Lượt xem:
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã có biết bao thế hệ những Anh hùng Liệt sĩ hiến dâng cuộc đời cho đất nước. Với nguồn cảm xúc tôn kính và tri ân, các nhà thơ đều dành những trang viết trang trọng, xúc động ca ngợi người Anh hùng Liệt sĩ – những đồng đội đã một thời cùng đạn bom khói lửa, những người thân ra đi từ một làng quê hay dãy phố. Đó là những bức tượng đài về những người Anh hùng Liệt sĩ sừng sững, trường tồn được tạc bởi thơ ca.
Một trong những bài thơ ra đời sớm nhất trong kháng chiến chống Pháp là tác phẩm “Viếng bạn” của nhà thơ Hoàng Lộc. Bài thơ ngắn nhưng đã tái hiện sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Vệ quốc quân. Cái khoảng cách giữa cõi sống và cõi chết thật mong manh, ngắn ngủi như giang tấc. Những câu thơ vừa diễn tả được lòng căm thù quân giặc, vừa biểu hiện được tình đồng đội, đồng chí và tình quân dân cá nước mặn nồng, thiêng liêng:
“Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ…”
Những người lính ra đi và ngã xuống chẳng tiếc đời xanh, bởi quãng đời tươi đẹp nhất ấy đã hiến dâng cho một lý tưỏng cao cả: chiến đấu vì Tổ quốc. Họ ngã xuống thanh thản, trở thành những cột mốc nơi biên cương. Tư thế lúc hy sinh thật hào hùng và bi tráng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Sự hy sinh của các anh để cho đất nước được nở hoa độc lập. Và nơi những Anh hùng Liệt sĩ ngã xuống luôn tươi thắm màu hoa. Đó là hương thơm của niềm ngưỡng vọng, hương thơm của lòng biết ơn:
Mộ anh trên đồi cao
Hoa hồng nở và nở
Hương thơm bay và bay…
… Trên mộ người Cộng sản
Hoa hồng đỏ và đỏ
Như máu nở thành hoa”
(Mồ anh hoa nở – Thanh Hải)
Cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, cả nước lên đường. Chính vì vậy, những hy sinh, mất mát từ cuộc chiến này đã không trừ một người nào. Trong thi phẩm nổi tiếng Núi Đôi, nhà thơ Vũ Cao đã ca ngợi sự hy sinh anh dũng của một nữ du kích bằng những câu thơ giản dị mà ám ảnh, xúc động; đau thương nhưng không bi luỵ:
“… Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.
Trong câu chuyện tình này, cái Tôi cá nhân đã hoà cùng cái Ta dân tộc, tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, gắn liền với lý tưởng đấu tranh cao đẹp. Hình ảnh người nữ du kích sống trung thành, chết thuỷ chung mãi mãi là cánh hoa thơm trên đỉnh núi, là cánh hoa thơm trong lòng người. Người người chiến đấu vì sự hy sinh của những cánh hoa thơm ấy.
Dù ở thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì anh Bộ đội Cụ Hồ luôn sống một cuộc đời giản dị mà cao đẹp và sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Và khi ngã xuống, các anh để lại “dáng đứng Việt Nam” với tư thế hy sinh hiên ngang, bất khuất:
“Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng
Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng – đứng – Việt – Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên anh đã thành tên Đất Nước
Ôi anh Giải phóng quân
Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”
(Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân)
Sự hy sinh của các anh tô thắm những chiến công, tô thắm màu cờ Tổ quốc để cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Trong những năm chống Mỹ, cả nước làm thành một đoàn quân điệp điệp trùng trùng hướng về miền Nam ruột thịt. Một thế hệ luôn sống trong tâm trạng phấn khởi, háo hức bởi được cầm súng ra trận, bởi được góp phần mình vào sự nghiệp của dân tộc. Phần lớn họ đều có tuổi đời rất trẻ, tâm hồn lồng lộng gió thời đại. Và khi ngã vào lòng đất, nhiều người vẫn chưa một lần yêu:
“Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”
(Đất nước hình tia chớp – Trần Mạnh Hảo)
Người lớp trước ngã xuống thì người lớp sau tiếp bước xông lên. Họ nối nhau thành đội hình dài vô tận, dài từ Bắc vào Nam, dài như… cuộc kháng chiến. Đã có rất nhiều người con của quê hương mãi mãi nằm lại trên các chiến trường. Mất mát và đau thương không thể nào kể xiết!
“Nếu đồng đội của tôi sống lại
Sư đoàn tôi sẽ thành mấy Sư đoàn…”
(Trường ca Sư Đoàn – Nguyễn Đức Mậu)
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có nhiều tác phẩm hay viết về sự hy sinh của những người lính như: Nấm mộ và cây trầm, Màu hoa đỏ, Cánh rừng nhiều đom đóm bay… Trong bài thơ Người gỡ mìn, Nguyễn Đức Mậu kể về người lính công binh chuyên làm nhiệm vụ gỡ mìn, tháo gỡ cái chết ra khỏi thân hình đất nước. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt nhưng tội ác của giặc vẫn lẩn khuất đâu đây và nỗi đau vẫn rình rập khắp nơi. Người lính đã nhận về mình cái chết để đem lại sự sống, để đất đai lại màu xanh cây lá và cho người đến xây nhà dựng cửa. Sự hy sinh ấy thật cao cả và đáng khâm phục biết bao:
“… Nhưng trái mìn nằm kia
Cướp của anh tất cả
Thì còn lại đất đai muôn thuở
Nơi anh nằm thời gian xanh lá cây
Nơi anh nằm có ngôi nhà cho người đến ở
Hai chữ bãi mìn bàn tay anh xoá
Cái chết cuối cùng phải tháo kíp nơi đây…”.
Còn nhà thơ Trần Mạnh Thường thì “nói hộ” nỗi niềm của những liệt sĩ Côn Đảo năm xưa qua trường ca Chào anh em ở lại:
“Dù vạn loài hoa phủ trên tấm mồ liệt sĩ vô danh
Các anh nằm đây với nỗi buồn con tàu mắc cạn
Cát nóng bỏng giấc mơ vượt biển
Những trái tim khát khao hiến dâng tới nhịp cuối cùng…”
Những chiến sĩ Cộng sản trung kiên đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Dù thân xác các anh phải “mắc cạn” nằm lại nhưng tâm hồn và ý chí chiến đấu vẫn khát khao “vượt biển” trở về đấu tranh, vẫn dõi theo bước đường cách mạng của toàn dân tộc.
Sống vì quê hương và chết vì quê hương, dù ngã xuống ở vị trí nào chăng nữa thì những liệt sĩ đều để lại niềm nhớ thương vô hạn cho mọi người, đặc biệt là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương. Đó là điểm tựa cho những người lính và hình ảnh người mẹ già, người vợ trẻ cứ hiện lên trong tâm trí người lính trước lúc hy sinh. Người ở hậu phương đảm nhận làm thay phần việc của người đã hy sinh nhưng không thể nào lấp được khoảng trống khi vắng các anh:
“Người cõng mẹ từ bệnh viện về không phải con trai mẹ mà là con dâu mẹ
Người bón từng thìa cơm cho mẹ không phải con gái mẹ mà là con dâu mẹ…
Con dâu của mẹ một nách hai con
Anh trên bàn thờ nhìn xuống vai chị gầy, ngân ngấn mắt”
(Con dâu của mẹ – Trần Quốc Thực).
Chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm nhưng trên khắp đất nước này còn bao gia đình chưa tìm thấy phần mộ của người thân và còn bao nấm mồ “khuyết danh”. Nỗi day dứt, trăn trở này không chỉ của một gia đình mà là của toàn dân tộc:
“Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không đánh mất tên anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”
(Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh – Văn Hiền)
Thời gian dần phủ màu xanh cây lá trên những quả đồi, trên những cánh rừng xưa, nhưng nỗi đau vẫn chẳng dễ nguôi ngoai. Dẫu vậy, những người vợ liệt sĩ vẫn gắng vượt lên những mất mát, nén nỗi đau để đảm đương việc nhà, việc nước:
“Quê nhà mấy trận bão giông
Mãi lo nước ngập trắng đồng lúa xanh
Mãi lo cơm đủ áo lành
Còn đâu lúc rảnh để thành Vọng Phu”
(Gió đất – Lê Đình Cánh)
Thật cao đẹp, thật đáng cảm phục và trân trọng biết bao khi tình yêu của những người lính đã hy sinh vẫn được nâng niu, gìn giữ, vẫn tinh khiết, trắng trong như thuở ban đầu:
“Bông hồng trắng mọc lên bên cửa sổ
Chị chẳng đếm những mùa cây thay lá
Có ngôi sao trên cánh rừng phương Nam
Lặng lẽ sáng
Một chàng trai trong khung kính xa vời…”
(Bông hồng trắng – Phạm Trọng Thanh)
Đọc lại những vần thơ trên, chúng ta càng thấy được sự hy sinh của thế hệ cha anh thật to lớn, đồng thời khắc ghi ân nghĩa sâu nặng với những người đã khuất và giáo dục, phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ hôm nay và mai sau./.
Trần Văn Lợi